Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng

15-05-2025 08:59

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 29/3/2021 của Huyện ủy Đồng Hỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao sinh kế. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt của Huyện ủy là yếu tố then chốt tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động từ cơ sở đến người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 29/3/2021 của Huyện ủy Đồng Hỷ về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cấp chứng chỉ rừng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao sinh kế. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt của Huyện ủy là yếu tố then chốt tạo nên sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động từ cơ sở đến người dân.

Cán bộ xã Văn Hán kiểm tra diện tích rừng FSC

Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết 05 được Huyện ủy Đồng Hỷ xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chương trình hành động cụ thể, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đồng thời đưa nội dung phát triển lâm nghiệp bền vững vào nghị quyết, chương trình công tác hằng năm. Trên cơ sở đó, các địa phương có rừng như Văn Hán, Hợp Tiến, Văn Lăng, Tân Long… căn cứ tình hình thực tiễn để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp. Vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng được phát huy toàn diện. Tại các chi bộ nông thôn, đảng viên được phân công phụ trách từng địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Chính sự chủ động, sát sao từ cấp ủy cơ sở đã tạo nền tảng vững chắc để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Đơn cử, xã Văn Hán là địa phương tiêu biểu với gần 4.000 ha rừng - lớn nhất huyện. Trong đó, khoảng 2.800 ha rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Đồng chí Nguyễn Thị Phong, Bí thư Đảng ủy xã Văn Hán, cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã đã xác định phát triển rừng bền vững là nhiệm vụ chiến lược. Chúng tôi đưa nội dung này vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, xây dựng kế hoạch hàng năm, chỉ đạo từng chi bộ tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện. Nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, nhất quán, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng gỗ lớn.

Không chỉ mở rộng diện tích rừng trồng, huyện Đồng Hỷ còn đặc biệt chú trọng đến bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có. Công tác giao đất, giao rừng, khoán quản lý rừng cho cộng đồng dân cư được thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu quả. Tại nhiều xã, các tổ bảo vệ rừng cộng đồng phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm trong tuần tra, xử lý vi phạm, từng bước ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

Dưới sự định hướng của Huyện ủy, Đồng Hỷ tập trung phát triển lâm nghiệp theo hướng hiện đại, gắn sản xuất với thị trường và chuỗi giá trị. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, đã đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời mở rộng cơ sở chế biến tại chỗ. Một số mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp, như: trồng dược liệu dưới tán keo, nuôi ong rừng… bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, mở ra hướng đi mới trong nâng cao thu nhập cho người dân vùng rừng.

Huyện cũng quan tâm triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về vai trò, lợi ích của rừng. Giai đoạn 2021-2024, toàn huyện tổ chức 128 hội nghị tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; phổ biến chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững, thu hút hơn 8.100 lượt người tham gia. Các nội dung của Nghị quyết 05 được lồng ghép vào phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, góp phần khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong đời sống nhân dân.

Sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp giúp nâng cao giá trị của cây rừng

Một trong những kết quả nổi bật là Đồng Hỷ đi đầu trong cả tỉnh về phát triển rừng gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đây là cơ sở để khẳng định sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp, thân thiện với môi trường và đạt tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp địa phương tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05, huyện Đồng Hỷ đã trồng mới trên 4.300 ha rừng tập trung, hơn 1,1 triệu cây phân tán; phát triển 652 ha rừng gỗ lớn. Dự kiến diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt hơn 3.600 ha - vượt hơn 10 lần chỉ tiêu đến năm 2025 theo Nghị quyết. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 55,2%. Sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng đạt trên 251.000m³, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn.

Với sự lãnh đạo toàn diện của Huyện ủy, sự điều hành quyết liệt của chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, Đồng Hỷ đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Những cánh rừng không chỉ phủ xanh đất trống đồi trọc, mà còn trở thành nguồn lực kinh tế xanh, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng Đồng Hỷ phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.

Trường Giang (Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông Đồng Hỷ)



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 3535435